Hanoi Bass Day

Trừ 3 đêm diễn đầu tiên của tuần khai trương Nhà Hát Nhỏ Long Waits, Bảo Long và ban nhạc đã đưa khán giả đi được một nửa chặng đường tribute những album nhưng tên tuổi vĩ đại của nhạc jazz thế giới.

Tôi vẫn có một chút cảm giác váng vất choáng ngợp sau khi nghe từng ấy đêm diễn.

Thành thật mà nói, trong những người vận hành Long Waits và quản lý page, có người nghiện jazz, sưu tầm đĩa than và nghe hằng ngày, có người nghe jazz cho biết, như tôi, nên không phải ai cũng sẽ quen và thuộc với những tên tuổi trong 8 buổi tribute. Với phần đông khán giả, có lẽ, cũng vậy.

Với John Coltrane hay Miles Davis, Duke Ellington là những cái tên đã luôn ở đó, ngự trị, tạo cảm hứng và gây tò mò cho công chúng phổ thông, nhưng nghe đầy đủ một album của họ trong không gian Long Waits, âm nhạc và tài hoa của họ mới kết tinh đậm đặc.

Nhạc jazz của họ khi trình hiện dưới dạng hoà tấu, vô ngôn, chính sự vô ngôn cần thiết ấy mới là nơi để những nhạc công dày dặn như Bảo Long và ban nhạc thể hiện tự do, giận dữ, mê say, tài năng.

Những người chơi jazz luôn dạy nhau, bản nhạc là cái cớ, là ngón tay chỉ trăng, sự lĩnh hội, bền bỉ của mỗi cá nhân nhạc công, cá tính trình diễn mỗi đêm diễn mới quan trọng.

Sự tự do của jazz là sự khổ luyện. Vật lộn với tự do.

Tôi hiểu chuyện đó một cách rõ ràng hơn ngay trong buổi diễn khai trương, sau set 1, chú Hà contrebasse, người lớn tuổi nhất band, ngồi sau cánh gà chia sẻ với bạn Thế Anh pianist và anh Hùng drums về việc đi mát-xa ngón tay, khớp tay.

Đó không phải cơ thể sinh lý đơn thuần, ngón tay ấy là một nhạc cụ. Một chiếc đàn tốt cho thể dùng nhiều chục năm, đến trăm năm, hoá đổ cồ thì được trưng bày hay thay thế, nhưng nhạc cụ con người lại mong manh đáng quý hơn thế, bởi thời gian xâm nhập nó sâu sắc hơn.

Khoảnh khắc chú Hà và khớp ngon tay làm tôi cảm thấy gần gũi với jazz hơn một chút. Làm mình không quá e ngại với những cái tên xa lạ hơn, nghe không chỉ là thưởng thức, nghe cũng cần rèn luyện, kiên trì.

"Bố Hà"

Và tôi cũng tin những vị khách của mình từ ngại ngần đã dần quen thuộc, thích thú trước cá tính trình diễn của Bảo Long và ban nhạc cùng những album, tên tuổi họ mang đến.

Chú Hà nói với tôi và mấy anh em, piano, trống hay sax ở tiền đồn, nó đã rất riêng và kiêu hãnh, với một buổi bassday, để công chúng trải nghiệm nó, và nghe ra được sự tung tẩy vui tươi trong một bè trầm.

Đây là lần đầu tiên jazz scene ở Việt Nam có thể làm được một ngày bassday, chú hào hứng như cái lần xếp hàng đi xem bassday ở New York, mong ước nay đã thành sự thật.

Với sự rạng rỡ trong ánh mắt của chú Hà khi kể chuyện, với bass day tổ chức vào thứ 6 thứ 7 tuần này, tôi hiểu đó là một cú “bé lái” ngoạn mục của anh Long trong chuỗi tribute nhằm tôn vinh nhạc công và nhạc cụ trầm nhất trong ban nhạc jazz.

Đó là một ngày hội đúng nghĩa.

Album Ah Uhm của Charlie Mignus của tuần này nghe như một câu kinh Mật Tông thâm trầm nhưng chứa đựng trong nó những lớp tình cảm thâm sâu.

Piano như hoàng tử, sax hay trumpet là tay chơi, trống là dũng sĩ, người chơi bass là quản gia, là người lính canh thành. To nhất, ngầu nhất lại âm thầm nhất.

Chúng ta cùng chào đón những người quản gia anh hùng của bassday Hà Nội:

Hai Bang

The Vinh

Phuc Minh

Duc Linh

Gia Linh

Tra Nguyen

Và đặc biệt là Mỹ Anh

Thứ Sáu ngày 4/8 và thứ Bảy ngày 5/8

Long Waits, Hà Nội