Tự xưng là một câu lạc bộ jazz “be bé,” Long Waits là nơi tụ hội của nhiều giấc mơ với những hình hài khác nhau, mang đến cho Hà Nội một trải nghiệm jazz hiện đại mà duyên dáng.
Long Waits nằm trên tầng hai của một căn nhà sâu trong con ngõ ở phố cổ. Toàn bộ tầng đã được xây lại, đủ chỗ cho sân khấu nhỏ, quầy bar, và không gian đủ cho một lượng khán giả vừa đủ ấm cúng.
Tôi đến Long Waits vào một sáng thứ Sáu trời mưa. Bảo Long, người đồng sáng lập Long Waits và một cây cổ thụ của giới jazz Việt Nam, đang đứng trên sân khấu và dẫn dắt ban nhạc với cây kèn saxophone quen thuộc. Họ đang tập dượt lần cuối cho Bass Night, trong đó, tám người chơi bass sẽ lần lượt thay nhau biểu diễn. Bên cạnh tôi, anh Hùng, chủ quán còn lại, đang bận bịu gấp mấy tờ rơi. Tờ quảng cáo đơn giản thông báo rằng các buổi diễn sẽ được tổ chức ở những quán cà phê như Tranquil hoặc Blackbirds, cũng là những quán đã được cải tạo, điều hành, hoặc thuộc sở hữu của những người sáng lập Long Waits.
“Cái đàn piano em thấy trên sân khấu không phải dễ mang vào đâu,” anh Hùng, người giám sát việc cải tạo quán, giải thích. “Bọn anh phải tháo cả lan can và tay nắm cầu thang. Rồi dựng một cái cần trục để đưa nó lên đây.”
Chỉ cần nhìn sự chỉn chu đến từng chi tiết là biết Long Waits không phải là dự án đầu tay của hai anh. Sân khấu và hầu hết các bức tường được sơn màu nâu hạt dẻ ấm áp, vừa tạo nên sự thống nhất về thẩm mỹ, vừa kéo dài căn phòng. Quầy bar và trần nhà được để trống nguyên nhắm giữ nét cổ kính của không gian. Ánh sáng mờ và dịu nhẹ hắt ra từ sân khấu và khối đèn hộp thủy tinh ở quầy bar. Cầu thang dẫn lên quán vẫn còn mới tinh, nhưng tông màu gỗ, tối bên trong vẫn giữ được nét hoài cổ. Không gian hợp lý và tối giản rất phù hợp để tôn vinh âm nhạc trên sân khấu mà không làm ảnh hưởng đến sự thoải mái của khán giả.
Long Waits ra đời nhờ vào sự gặp gỡ tình cờ của hai “con nghiện” jazz: Bảo Long và Tuấn Anh. Tuấn Anh muốn học chơi saxophone, và anh tìm thấy ở Bảo Long một người bạn và một người thầy. Tuấn Anh đã từng mở các quán bar, như Longer Than a Summer, và các tiệm cà phê như đã kể trên, một số là hợp tác với Hùng, người bạn từ hồi đại học. Vậy nên anh có kinh nghiệm thiết kế không gian và vận hành doanh nghiệp. Tuy vậy, Long Waits ra đời không chỉ để mang về lợi nhuận.
Khi được hỏi về công việc của mình, Bảo Long nói anh muốn “ươm mầm” thế hệ tương lai của nền nhạc jazz Việt. Với cương vị là nhạc trưởng của quán, anh sáng tác, chọn nhạc cho các buổi diễn của Long Waits. Anh tìm hiểu về lịch sử nhạc jazz, nghe lại các tác phẩm kinh điển rồi điều chỉnh chúng để phù hợp với ban nhạc.
Để chuẩn bị cho Long Waits, Long đi xem hòa nhạc và các buổi diễn tốt nghiệp để tìm những tài năng mới. “Anh không chọn những người giỏi nhất, anh tìm những nhân tài cần thêm sự dẫn dắt để rèn luyện kỹ năng. Những người như thế mới chịu được áp lực.”
Tôi đến Long Waits vào đúng đêm nhạc Sonny Rollins. Lúc ngồi ở quầy bar, tôi tình cờ nghe lỏm được một bạn nghệ sĩ trẻ dành những lời khen cho nơi đây. Cô là một ca sĩ của Học viện Quốc gia, cô nói ở Hà Nội khó tìm được nơi nào có nhạc sống hay. Việc được xem và trò chuyện với các nhạc công gạo cội là một trải nghiệm quý báu.
Trong buổi tập tôi được xem vài ngày sau đó, tôi nhận ra tất cả những tay bass đều chỉ khoảng hai mươi tuổi, thậm chí một vài bạn trông như học sinh cấp ba. Họ mặc quần dài, áo sơ mi rộng thùng thình, ba lô và hộp đàn chi chít miếng vá và sticker. Một tay trống trẻ còn tranh thủ chơi game trên điện thoại trong giờ giải lao.
“Áp lực tạo kim cương. Nhiều người sẽ không đồng tình với quan điểm này, nhưng sự thật là, mình phải chịu đựng được rất nhiều áp lực nếu muốn trở thành nghệ sĩ jazz thành công.”
Có một sự tương phản lớn giữa những nghệ sĩ gạo cội và những bạn trẻ mới tập. Nhưng khi họ chơi nhạc cùng nhau, người ta có thể thấy niềm đam mê ở tất cả mọi người. Tính chuyên nghiệp được thể hiện qua sự tập trung tỉ mỉ của họ. Khi Bảo Long dừng ai đó lại và chỉ bảo, mọi người chỉ cần vài giây là bắt nhịp với nhau. Kể cả những lúc khó khăn để tìm được sự đồng nhất, tất cả mọi người đều quyết tâm để đạt được sự hoàn hảo mà Bảo Long kỳ vọng. Mặc dù cử chỉ rất điềm đạm và từ tốn, anh là người cầu toàn.
“Áp lực tạo kim cương. Nhiều người sẽ không đồng tình với quan điểm này, nhưng sự thật là, mình phải chịu đựng được rất nhiều áp lực nếu muốn trở thành nghệ sĩ jazz thành công. Mình phải có đồng vào đồng ra, mình tổ chức được show, mình tìm chỗ tìm thời gian để tập tành, mình làm hết mọi thứ đấy trong lúc mình làm nghệ thuật,” Bảo Long nói. “Mình cũng phải nhớ rằng nhạc jazz, từ lúc nó ra đời, đã gắn liền với cái cùng cực,” anh chia sẻ, ám chỉ bối cảnh nghèo đói và phân biệt chủng tộc ở Mỹ khi jazz ra đời.
Con đường trở thành một nghệ sĩ saxophone nổi tiếng của jazz chắc hẳn không hề dễ dàng. Anh đặt ra tiêu chuẩn cao cho bản thân và ban nhạc thông qua những giai điệu phức tạp với nhiều tầng lớp. Hơn ai hết, anh hiểu rằng jazz cần một sự nuôi dưỡng, và nếu không có những người dạy và hỗ trợ, sẽ khó có ai tiếp cận được dòng nhạc này. Long Waits là giải pháp trực tiếp cho thử thách đó.
Nếu bạn có cơ hội ghé qua Long Waits, tôi hy vọng bạn sẽ được trải nghiệm âm nhạc chất lượng và bầu không khí thư giãn. Nhưng hơn hết, tôi hy vọng bạn sẽ cảm nhận được niềm vui tỏa ra từ các nghệ sĩ trên sân khấu, bất kể kinh nghiệm hay lứa tuổi. Có thể bạn sẽ thấy tay trống và người chơi piano lén nhìn nhau sau một đoạn khó, hoặc nụ cười bằng lòng thoáng qua mặt Bảo Long sau một màn solo.