Hành trình anh hùng của Nguyễn Bảo Long đi qua các album nhạc jazz (kinh điển) (*) đã qua nửa chặng đường.
(*) chú thích bởi người dịch
Một năm trước, bên rìa phố cổ nhộn nhịp của Hà Nội, giữa những con phố quanh và các công trình kiến trúc lịch sử, nghệ sĩ saxophone Nguyễn Bảo Long cùng đồng đội của anh đã mở quán Long Waits. Họ gọi đây là ‘một câu lạc bộ nhạc jazz khiêm tốn’, và quán đã trở thành một thiên đường dành riêng cho nghệ thuật của jazz.
Là người gốc Hà Nội, với niềm đam mê jazz được thắp lên từ giai đoạn đầu của nhạc jazz Việt Nam, Bảo Long đã hoàn thành phần đầu tiên của những gì anh mơ ước: tạo ra một không gian nơi nhạc jazz có thể phát triển mạnh mẽ, như một lực lượng văn hóa, một biểu đạt nghệ thuật và là một cây cầu nối giữa truyền thống với hiện đại.
Sự ra đời của Long Waits bắt nguồn từ sự ảnh hưởng bởi quan điểm, tinh thần và không gian văn hóa mà người bạn lâu năm của Bảo Long là Nguyễn Quí Đức (*) và tiệm Tadioto của anh tạo ra tại Hà Nội. Đức đã đứng trên sân khấu Long Waits, chính thức khai trương câu lạc bộ cho Bảo Long, giống như thể anh đang trao lại trọng trách nghệ thuật của mình cho Long. Với sự ra đi đột ngột của Đức vào năm ngoái, Long đã tiếp quản vai trò ấy với niềm đam mê và bản lĩnh của riêng mình, đồng thời nuôi dưỡng sứ mệnh có tính lịch sử và anh hùng dành cho jazz – phần thứ hai trong giấc mơ của anh.
Nằm ở trọng tâm tầm nhìn của Bảo Long dành cho Long Waits là dự án đầy tham vọng: biểu diễn trực tiếp 100 album jazz kinh điển cùng với ban nhạc của mình (mỗi tuần một album) trong khoảng thời gian hai năm. Chuyến phiêu lưu với các bản thu âm mang tính biểu tượng của jazz không chỉ đơn thuần là một nỗ lực âm nhạc; mà còn là một cuộc khám phá văn hóa, một cử chỉ tôn vinh sự đa dạng, và là một minh chứng cho ảnh hưởng lâu dài của nhạc jazz đối với văn hóa toàn cầu. Mỗi album đều đóng vai trò như một dấu mốc trong lịch sử nhạc jazz—từ những sáng tạo có tính mở đường của Miles Davis và John Coltrane đến những giai điệu cảm động của Billie Holiday và những thử nghiệm tiên phong của Ornette Coleman.
Định dạng đĩa LP 12 inch, loại đĩa nhạc đã cách mạng hóa ngành công nghiệp âm nhạc vào năm 1948, đóng vai trò then chốt trong việc định hình sự phát triển của nhạc jazz và giúp truyền tải những câu chuyện và cảm xúc phức tạp của nhạc jazz. Hai mươi phút nhạc – dung lượng của mỗi mặt đĩa – đã hoàn toàn thay đổi thị trường đại chúng của loại đĩa 78 (đĩa 78 vòng – người dịch), vốn chỉ có thể chứa một bài hát ở mỗi mặt. Song song với việc đưa âm nhạc cổ điển có thời lượng kéo dài hơn đến với người tiêu dùng, các nghệ sĩ như Frank Sinatra, Duke Ellington và Miles Davis bắt đầu hình thành ý tưởng về bốn mươi phút nhạc được chia thành hai mặt đĩa như một cách để trau chuốt kỹ thuật và các câu truyện kể của họ. Những năm 1950 và 1960 là những thập kỷ quan trọng đối với nhạc jazz, chứng kiến sự ra đời của nhiều album mang tính bước ngoặt có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của thể loại này và hơn thế nữa. Những album này không chỉ phản ánh những sáng tạo mới mẻ của thời đại mà còn đặt ra tiêu chuẩn cho các thế hệ nhạc sĩ tương lai. Các album như Kind of Blue, A Love Supreme, The Shape of Jazz To Come, Mingus Ah Um, Maiden Voyage, Time Out, Bitches Brew và nhiều album khác nữa – tất cả đều là những dấu mốc đặt nền móng cho tương lai của nhạc jazz, và tất cả đều có trong danh sách biểu diễn tại Long Waits.
Bằng cách tỉ mỉ tái hiện các album này mỗi tuần tại Long Waits (với phần nghỉ giải lao vào cuối “mặt đĩa”), nghệ sĩ Bảo Long và nhóm tứ tấu của anh đưa khán giả chìm đắm vào chiều sâu và sự phong phú của nhạc jazz, mời gọi khán giả trải nghiệm trực tiếp tinh thần đổi mới và các sáng tác xuất sắc đã định hình nên thời kỳ hoàng kim của nhạc jazz gắn với loại đĩa vinyl này.
Tại Việt Nam, nơi nhạc jazz từng là sở thích không phổ biến, chỉ giới hạn trong một nhóm nhỏ những người đam mê, dự án của Bảo Long xuất hiện vào thời kỳ phục hưng của nhạc jazz. Khoa nhạc Jazz tại Học viện m nhạc Việt Nam hiện có chương trình giảng dạy tuyệt vời, hướng đến mục tiêu biểu diễn, đào tạo nên những nhạc công jazz trẻ xuất sắc. Nhiều năm giao lưu văn hóa quốc tế đã khiến cho các nghệ sĩ từ các quốc gia khác bừng tỉnh trước những tài năng nhạc jazz và di sản âm nhạc tại Việt Nam. Và rồi, các câu lạc bộ nhạc jazz đã mọc lên để giới thiệu các tài năng nhạc jazz trong nước – như Long Waits.
Sự tận tâm của Bảo Long trong việc biểu diễn các album nhạc jazz cổ điển đã và đang giới thiệu đến khán giả và các nhạc sĩ Việt Nam chiều sâu của cảm xúc, sự sáng tạo và ý nghĩa văn hóa của thể loại này. Mỗi buổi biểu diễn tại Long Waits trở thành cánh cổng khám phá, mang đến cho người nghe cơ hội kết nối với các chủ đề toàn cầu và những ảnh hưởng đa dạng thấm nhuần vào bức tranh phong phú của nhạc jazz – một bức tranh được dệt nên bởi sợi chỉ của các album nhạc jazz cổ điển. Tham gia vào hành trình này là một số nhạc sĩ trẻ triển vọng nhất của Hà Nội như nghệ sĩ piano Thế Anh và Việt Tú, nghệ sĩ trống Tú Thịnh, Đức Anh và các nghệ sĩ khác.
Bên ngoài những địa điểm chuyên biệt như Long Waits, nhiều nhạc sĩ nhạc jazz có thể đang phải đối mặt với áp lực thương mại dẫn đến mài mòn sự sáng tạo và hạn chế những khám phá chuyên môn. Hiện tượng chơi nhạc trong môi trường không có thử thách, nơi tiết mục thường bị mặc định là những giai điệu quen thuộc được đám đông yêu thích lấy từ tuyển tập nhạc jazz Real Book đã đặt ra một thách thức đáng kể, không chỉ ở Việt Nam. Bộ sưu tập các bản nhạc bị tiêu chuẩn hóa này cung cấp một nhạc mục tiện lợi về jazz tiêu chuẩn và những bản nhạc nổi tiếng nhất, tuy vậy có thể thúc đẩy một cách vô tình cách tiếp cận máy móc theo công thức và kìm hãm sáng tạo ngẫu hứng của các nhạc sĩ. Tôi biết vì tôi đã sống và chơi nhạc jazz trong thế giới đó – nhạc jazz luôn đi trên sợi dây căng giữa sự tính quen thuộc và sự đổi mới.
Đối với nhiều nghệ sĩ jazz, Real Book đóng vai trò là nguồn tài nguyên đáng tin cậy cho các buổi diễn tại các địa điểm chính thống và các sự kiện thương mại, nơi khán giả mong chờ những ‘âm thanh’ quen thuộc của nhạc jazz. Mặc dù những dịp này mang đến cơ hội trình bày cho bản thân nghệ sĩ và sự ổn định tài chính, cái áp lực phải làm hài lòng đám đông và duy trì thương mại có thể làm nhụt đi tinh thần dám chấp nhận rủi ro và sẵn lòng thử nghiệm trong thế hệ nghệ sĩ jazz mới. Điều này có thể dẫn đến sự đồng hóa về phong cách và dè dặt không dám phiêu lưu trên những lãnh địa âm nhạc ít quen thuộc, nhiều thử thách hơn.
Đối lập với hiện tượng trên, một địa điểm như Long Waits, do một người có tầm nhìn xa như Bảo Long dẫn đầu, mang đến cho các nhạc sĩ một đối cảnh đáng hoan nghênh trước áp lực thương mại mà nhạc jazz phải đối mặt. Bằng cách ưu tiên tính chân thành trước nghệ thuật và tạo ra sự phong phú về văn hóa hơn là tạo ra biên lợi nhuận, Bảo Long đang dựng nên một môi trường nơi các nhạc sĩ vượt qua ranh giới tay nghề của chính họ, để khám phá các bản nhạc phi truyền thống và làm bạn với lối biến tấu đem lại cảm giác mới lạ và ngạc nhiên. Việc này giống như nghệ sĩ được tham gia 100 bài học lịch sử nhạc jazz tại trường dạy jazz.
Thông qua việc hướng dẫn cho các nhạc sĩ trẻ, Bảo Long đã nuôi dưỡng thái độ khám phá và can đảm trong nghệ thuật. Bằng cách chọn các album kinh điển, anh thách thức những nghệ sĩ tài năng có tham vọng vượt ra khỏi những ranh giới của Real Book để đi sâu vào những bản nhạc jazz rộng lớn, nhằm tìm ra nguồn cảm hứng của riêng họ.
Tại Long Waits, việc ưu tiên các buổi diễn live hàng tuần đã thể hiện được sự tự nhiên và tinh thần ứng biến của nhạc jazz, nhắc nhở khán giả rằng về bản chất, nhạc jazz là sự thể hiện cá nhân và câu chuyện của tập thể. Mỗi tuần, vào thứ sáu và thứ bảy, Bảo Long và ban nhạc của anh chơi một album. Mỗi buổi tối như vậy đều trở thành cơ hội để đề cao văn hóa và đối thoại nghệ thuật, khi các nhạc sĩ và khán giả cùng nhau vui hưởng ngôn ngữ toàn cầu của nhạc jazz.
Trong một thế giới mà nhạc jazz thường được thương mại hóa và đóng gói để tiêu thụ đại trà dưới dạng một lối sống hoài cổ và thời trang, thì cam kết của Bảo Long trong việc giữ lại tinh túy của nhạc jazz đóng vai trò như ngọn hải đăng cho sự chân thành trong nghệ thuật. Anh nhắc nhở chúng ta rằng nhạc jazz không chỉ là một thể loại; đó là một triết lý – một tinh thần đổi mới, hợp tác và biểu đạt văn hóa. Bằng cách tạo ra một không gian nơi các nghệ sĩ có thể thách thức chính bản thân mình, còn khán giả có thể chìm đắm trong âm nhạc, Bảo Long đảm bảo rằng nhạc jazz tiếp tục phát triển và kết nối được với các thế hệ nghe nhạc mới tại Việt Nam. Theo cách này, Long Waits biểu hiện như một ốc đảo văn hóa ở khu phố cổ Hà Nội, nơi tinh thần nhạc jazz vượt qua rào cản ngôn ngữ văn hóa để tập hợp những cộng đồng đa dạng – sinh viên, nhà thơ, người sành sỏi, người yêu rượu whisky, người nước ngoài, nhiếp ảnh gia, các influencer, những người yêu nhau, người dùng Instagram, bạn bè, nhà văn, nhạc sĩ nước ngoài và khách du lịch.
Bất chấp mục tiêu cao cả 100 album và sự tận tụy không thỏa hiệp của mình nhằm giữ trọn vẹn tinh thần nghệ thuật của nhạc jazz, Bảo Long hiểu được đòi hỏi thực tế của công việc điều hành một địa điểm văn hóa tại một thành phố nhộn nhịp như Hà Nội. Bởi vậy Long Waits cũng tổ chức nhiều sự kiện khác nhau ngoài các buổi biểu diễn nhạc jazz, bao gồm chiếu phim, đêm nhạc biểu diễn không cần đăng ký trước và các sự kiện văn hóa riêng tư ‘cho thuê’. Những hoạt động này không chỉ góp phần vào tính bền vững về mặt tài chính của địa điểm mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa của phố cổ Hà Nội, thu hút nhiều đối tượng khán giả khác nhau và nuôi dưỡng ý thức cộng đồng cũng như đảm bảo thêm một nguồn thu nhập.
Tuy nhiên, khi nói đến nhạc jazz, Bảo Long vẫn kiên định với các nguyên tắc của mình. Anh từ chối thỏa hiệp về chất lượng âm nhạc hoặc tính chính trực trong tầm nhìn nghệ thuật của mình. Trong khi các cơ hội thương mại có thể cám dỗ những người khác làm loãng bản chất của nhạc jazz nhằm thu hút nhiều người hơn, Bảo Long vẫn duy trì sự tôn trọng thực sự đối với thể loại âm nhạc bắt nguồn từ sự gắn bó sâu sắc với lịch sử, những nhà cách tân và và tác động văn hóa của nó.
Khi dự án 100 album của Bảo Long tiến triển, đạt được một nửa cột mốc 50 album vào tháng 7 năm 2024 với đĩa Juju của Wayne Shorter, anh hình dung sẽ mở rộng phạm vi của dự án. Các kế hoạch đang được tiến hành để thu hút nhiều nhạc sĩ trẻ hơn, mời các nghệ sĩ khách mời và giới thiệu các nghệ sĩ độc tấu khác trong các vai trò nổi bật hơn. Sự phát triển này nhằm mục đích cài cắm những góc nhìn mới mẻ vào mỗi buổi diễn, truyền năng lượng và sự sáng tạo mới cho dự án, nuôi dưỡng thế hệ tài năng nhạc jazz tiếp theo.
Hành trình của Bảo Long với Long Waits thể hiện sức mạnh cải biến của nhạc jazz như một phương tiện giao lưu văn hóa, khám phá nghệ thuật và phát triển bản thân. Bằng cách chia sẻ tinh túy từ các album nhạc jazz cổ điển và nuôi dưỡng một cộng đồng những nhạc sĩ và thính giả đầy đam mê, anh đã tạo ra một thiên đường nơi tinh thần nhạc jazz phát triển mạnh mẽ – một nơi mà im lặng nhường chỗ cho ngẫu hứng, mong đợi nhường chỗ cho những phát hiện, và tinh thần sáng tạo đầy tâm hồn của nhạc jazz cộng hưởng với nhịp đập của Phố cổ Hà Nội. Thông qua sự lãnh đạo có tầm nhìn xa và cam kết không ngừng nghỉ đối với tính xác thực của nhạc jazz, Bảo Long đang đảm bảo rằng thể loại này tiếp tục truyền cảm hứng và cộng hưởng với khán giả, ngày nay và cho các thế hệ mai sau.
Tại Long Waits, nhạc jazz không phải để bán.
*Nguyễn Quí Đức (1958-2023) là nhà báo phát thanh, nhà văn, dịch giả, nhà thiết kế nội thất và nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt. Anh chuyển đến Việt Nam vào năm 2006. Tại Hà Nội, anh đã thành lập quán bar Tadioto. Quán bar đã phát triển thành nơi tụ họp nổi tiếng của các nhà báo, nhà văn, nhà ngoại giao, nghệ sĩ, nhạc sĩ và bất kỳ ai bị thu hút bởi không gian riêng tư, thân mật và gu thẩm mỹ đặc biệt.
Bài viết cho Hanoi Grapevine của Paul Zetter, nhạc sĩ, nhà soạn nhạc, nhà làm phim và nhà phê bình âm nhạc
Ảnh bởi Khuất Tuấn Anh