Eric Dolphy hay Quán bia Long Waits

- anh phục mình 1 thì phục khán giả 3, nhạc như thế mà mọi người cũng nghe được. Sau đêm diễn tối qua anh Bảo Long cười khoái trá sau một tuần “nướng khoai” Out to luch của Eric Dolphy.

Nhạc như thế nghĩa là như nào, anh Bảo Long lại diễn giải cho tôi theo một cách không thể lạ lùng hơn:

- Là hôm nay mỗi cây trong ban nhạc chơi 1 phách, 1 ý, chả ông nào chịu ông nào cả, như là em ở ngoài quán bia ấy, ông nào cũng muốn mình là người nói to hơn, nói đúng hơn “tôi nói thật với ông trời hôm nay không mưa vì tôi nghĩ nó nắng” “à à à à làm hớp bia mát quá, tôi nói thật với ông, ông tuổi con tồm” “nào uống đi, vợ gọi về kìa” “ nào lên…” ”okie…” “em phục vụ mới xinh phết”…

những giọng trong quán bia dội vào nhau thành các bồi âm, sóng âm, có nhịp điệu riêng, nội dung lúc đó không rõ ràng, mạch lạc nhưng chúng ta nghe các âm, thấy được không khí, sự chuyển động của men lai dắt…âm nhạc đôi khi giai điệu không còn cần thiết nữa. Hình thức bỏ rơi nội dung.

cả những khoảng mong manh dễ vỡ như anh Hà chơi bass chỉ sai 1 nốt thôi là tất cả sẽ vỡ ra, anh nín thở như sắp nghe một chuyện tuyệt vọng

lại có những khoảng chúng ta muốn thoát khỏi những bồi âm căng thẳng bằng sự lạnh lùng của piano

và đôi lúc bồi âm nứt vỡ bởi tiếng kèn với trống “cãi vã” căng thẳng.

(Long Waits a modest beer club)

Hôm qua tất cả đều phê lư đử trong các bồi âm.

Bảo Long còn đẩy sự hoang mang đến tận cùng bởi cách anh tan vào hư vô, tôi không hề ngoa dụ một chút nào, sân khấu tối, cánh gà nhung đen, anh Bảo Long mặc áo đen, solo xong anh biến mất, để kệ những chiến hữu bên bàn nhậu của mình ở đó chiến tiếp, bởi không cần “nghe” Bảo Long cũng biết họ sẽ “đưa” câu chuyện về đâu, nó không mạch lạc, bồi âm quấn quanh lấy cơ thể. Bộ phận và toàn thể không phân biệt.

Sự thoắt ẩn thoắt hiện trong trình diễn của Bảo Long chính xác là tinh thần âm nhạc của Eric Dolphi, các tường thuật trong âm nhạc của ông phi tuyến tính, nói như các nhà phê bình âm nhạc, nhảy quãng liên tục, liên tục bỏ rơi các hoà âm không được hoàn thành.

Đến hôm nay tôi mới hiểu được một chút cách Bảo Long trình diễn trên sân khấu, pha tan những lúc nghi ngại “sao ông này mặt lạnh thế, chả cười, chả eye contact với khán giả, chỉ cúi chào lúc hết bài hết set”, à thì ra phong cách jazz của Bảo Long và ban là “thân ai người ấy lo” “hồn ai người ấy giữ” “ẩn thân chi thuật”, nó phân biệt với các ban khác thích nhún nhẩy như chú voi (Thelonious Monk)…

Cách anh Bảo Long giải thích cho tôi về nhạc jazz ở quán xôi hay hàng trà đá hoặc trong bóng tôi jazz club luôn làm tôi phát khùng, mà khùng thật, tôi bảo với anh và ban nhạc:

- các anh phục mình 1, khán giả 3 vì hoà vào chất nhạc ngang phè ấy thì em phục em 5 vì chả hiểu sao ngồi trên cầu thang nghe xác anh chơi mà em hú hét như ở sân vận động, ở đó mới là bồi âm khổng lồ, thác lũ, điên rồ, láo lếu, vô tri, chân thật, đúng, Eric Dolphy của anh làm em phát khùng. Và em sẽ dựng loạn xị ngậu các đoạn trình diễn của các anh tối nay.

Mời các bạn lắng nghe và hẹn gặp lại trong không khí trình diễn bồi âm của chúng tôi tối ngay hôm nay, thứ 7 lúc 8h30.

“menu” quán bia bao gồm:

1. Hat and Beard

2. 245

3. Something Sweet, Something Tender

4. Gazzelloni

Nghỉ giữa giờ

5. Springtime

6. Serene

7. Naima ( John Coltrane)

8. Impression ( John Coltrane)

Kind of Blue

Trước buổi diễn hôm nay anh Bảo Long nói với tôi, buổi diễn này mình chỉ dựng lại 2 ngày huyền thoại ấy, 2 ngày thu của Kind of Blue, còn với riêng Miles Davis, đó là con người đã dựng lên một thời đại jazz mới, người “điểm huyệt” những nghệ sĩ vĩ đại xung quanh mình bằng cách đưa họ vào những thử thách man rợ nhất rồi từ đó chúng ta có những thể loại nhạc, cách chơi khác cho thế giới jazz.

Tôi nghe như thấy câu chuyện những Tôn Ngộ Không trong bàn tay Phật, hoặc một từ tuyệt đối quan trọng trong tiếng Đức là bach, nghĩa là suối.

Và chỉ có suối mới mang đến cảm giác “dịu dàng, thanh khiết không bi luỵ” như Miles Davis nói về Kind of Blue.

Suối nguồn khơi dòng những con sông nhỏ.

2 bức ảnh đen trắng dưới đây là những bức ảnh Irving Penn chụp mang tên The Hand of Miles Davis, New York, 1986.

Tôi nghịch một chút, cho ngón tay Davis “chơi” trên note Long Waits, cho Long Waits nằm gọn trong lòng tay ông, gọi vui là xin vía, để mong từ nay, từ nơi trốn này cũng khơi một lạch nước tinh khôi cho jazz.

Bức ảnh còn lại là ngón tay anh Bảo Long, người với chỉ một cây tenor sax sẽ tìm cách biểu đạt âm hưởng của cả 3 cây: tenor sax, alto sax và trumpet, như album nguyên bản.

Cá nhà táng - the Duke

Sau hai đêm diễn Kind of Blue, anh Bảo Long rủ tôi đi ăn xôi, trên đường đi bộ ra quán, bất chợt anh nói:

- Miles là cá mập trắng thì Duke là cá nha táng.

Tôi tạm hiểu là sự khủng long, khủng khiếp trong sự nghiệp, sáng tác, thu âm, biểu diễn, và viễn kiến của hai người trong jazz.

Miles là tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu, là tập hợp quanh mình những ngọn núi lửa, phun trào bên bỉ nhiều năm; và ám tận đến những giai đoạn soul, funk 70-80; Duke là dàn nhạc lớn và sự bền bỉ, phong độ trong suốt 50 năm.

Vô số những bản thu âm trực tiếp và studio, phải mất gần 20 năm sau khi Duke mất, người ta mới dần san định hết.

Sức sống của thời kì swing jazz được tiếp dẫn từ âm thanh radio cho đến thời đại phổ thông của những chiếc đĩa than, rè rẹt mê ám, nó bao trùm thổi sinh khí vang son cho thời đại.

Phải là dàn nhạc lớn của Duke mới duy trì được sự phong phú ấy.

Ta thường xuyên thấy những cụm từ như Duke Ellington and his orchestra, Duke Ellington orchestra, Duke Ellington and orchestra, Duke Ellington bigband trên bìa đĩa album của Ngài công tước hào hoa trong âm nhạc. Duke là dàn nhạc, dàn nhạc là Duke.

Điều ấy nói lên hai khía cạnh quan trọng trong âm nhạc của Duke: dàn nhạc đông đảo là nơi để ông thể nghiệm đa dạng những thể loại âm nhạc của mình và dàn nhạc với những nhạc công dày dặn kinh nghiệm, gắn bó lâu dài fix lại sự bay bổng ấy.

Họ cùng nhau đưa ra tiêu chuẩn.

Dàn nhạc của Duke không chỉ là âm nhạc, mà là tâm thế đĩnh đạc, tự chủ của Mỹ Phi trong nửa đầu thế kỉ 20, đó là tiếng nói vô ngôn đầy kiêu hãnh.

Phải là một quý ông như Duke mới có thể tạo dựng những quy chuẩn, kinh điển và kinh viện.

Việc lựa chọn những sáng tác best của best để trình diễn trong đêm nhạc thứ 6 thứ 7 này của Duke, anh Bảo Long và ban nhạc, một tứ tấu cơ bản, nhỏ gọn sẽ phải diễn tấu, mang âm hưởng sênh sang của cả dàn nhạc.

(Ăn xong bát xôi cùng anh Bảo Long, tôi nghĩ vừa ăn xong con cá mập, và tôi nghĩ:

Sẽ là Bảo Long Orchestra cho tối thứ 6, thứ 7 này)

Tôi tin rằng, set 1 của vol.4 tới đây sẽ mang đến sự hào hoa, tươi đẹp của jazz nguyên thuỷ, với set 2 sẽ là sự rộn ràng của những tiết tấu swing jazz.

Mong rằng sẽ là một buổi diễn đầy tính hô ứng giữa nghệ sĩ và khán giả.

Hẹn gặp mọi người.

Tribute to Duke Ellington - The best of Duke

Keiko and Long Waits

Keiko ngồi vào đàn, cô bỏ lại thế giới, bỏ lại thời gian, sau cánh cửa, cô ngồi tập luyện cho buổi diễn tối nay.

Nhìn cô thật cuốn hút và tươi trẻ, tôi và buổi chiều cũng bị cuốn đi bởi sự say sưa của cô, bỗng cô quay sang tôi và nói, đại ý, thật buồn khi nghe tin Tony Bennett qua đời vào tối hôm qua, ca khúc này là dành tặng ông:

The good life

Oh, the good life, full of fun seems to be the ideal

Mm, the good life lets you hide all the sadness you feel

You won't really fall in love for you can't take the chance

So please be honest with yourself, don't try to fake romance

Những câu hát gần như mô tả trọn vẹn cuộc đời người đàn ông lịch lãm, thong dong ấy, người đã sống 96 năm cuộc đời chân thành với âm nhạc cho đến những ngày cuối cùng. Âm nhạc hẳn cũng đã nương náu nơi ông sự dịu dàng.

Thật khó để có một đêm nhạc tưởng nhớ ông trong ngày một ngày hai, nhưng tối nay, phần encore sẽ có một vài bài hát dành tặng cho ông.

The good life.

- Tôi va phải Duke trong hành lang jazz club ở Nhật.

Vừa bước qua cửa vào trong Long Waits, bắt tay Việt Anh và anh Bảo Long, Keiko-san liền kể cho chúng tôi về sự hữu duyên cuộc hội ngộ ấy, như mơ, chúng tôi gặp thiên sứ Duke phái tới đúng vào ngày Long Waits làm concert tribute to Duke Ellington - The best of Duke.

Tối thứ 6 trước khi hát, Keiko-san mở ra câu chuyện:

- Gặp tôi, Duke vẫn Duke, duyên dáng, sáng ngời rồi thủ thỉ

“tôi thấy em trong giấc mơ (I met you in my dream), chúng ta va phải nhau, trên một lối cầu thang, rồi em vượt qua tôi, em bước như chạy trên những bậc thang, tôi vội vàng theo. Cầu thang dốc ngược, tối om…

Tôi gọi em…em không trả lời. Tiếng gọi vọng lại như tôi gọi tên tôi trong đêm tối. Mỗi bước chân trên bậc cầu thang làm hiện lên những kí tự phản quang kì lạ, như bản kí xướng âm của một bản nhạc tôi không bao giờ có thể viết, vụt hiện vụt tắt như sao băng dưới gót chân.

Tôi càng đuổi theo em em càng mất hút, bậc thang cẩm thạch chuyển thành những bậc thang gỗ hai bên tường vàng, đến đỉnh cầu thang, em biến mất sau 2 lần cửa. Rồi em hiện ra ngay trước mắt tôi, chúng ta đang trong một jazz club của xứ sở nhiệt đới kì lạ, Long Chờ.”

Thật không thể tin được, nằm ngoài mọi dự tính, mong ước, chúng tôi có Keiko-san chơi nhạc cùng trong buổi tribute Duke Ellington, Keiko-san là gạch nối giữa Long Waits và Ngài công tước, gạch nối lịch sử.

Không chỉ được “gặp” Duke, Long Waits “gặp” được cả danh ca Tony Bennett.

Tưởng nhớ người vừa khuất,vừa hát The good life, Keiko-san vừa gọi tên Tony, Tony Good Life, tay chỉ lên trời, mắt ngước lên đối thoại.

Giấc mơ đẹp nhất cũng khó lòng kì diệu như hai tối thứ 6 thứ 7 vừa rồi.

Mọi thứ đều thật qua mức, Keiko-san, Duke, Tony, chỉ có đoạn sau câu (I met you in my dream) tôi improvise cho da diết.